THPT Tạ Uyên Mãi Mãi Tự Hào Mang Tên Người Anh Hùng Quê Hương

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Nghề Giáo Nghề Cao Qúy Trong Các Nghề Cao Qúy

Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20/11 hàng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. * Tôn vinh, tri ân người thầy Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng có thời gian dạy ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo. Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi. Đó là bà Ngô Chi Lan, nữ nhà giáo đầu tiên vào thế kỷ XV được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học; là thầy Đỗ Năng Tế là thầy giáo của Hai Bà Trưng - những phụ nữ đầu tiên của dân tộc dựng cờ khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc; là các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi. Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Qua các bài giảng, Người đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tiếp tục con đường người thầy đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước đã từng làm nghề “ươm mầm xanh” ở một số trường học. Không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh vai cùng bạn bè năm châu. Nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, giải thưởng của các cuộc thi và trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách người thầy. Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói. Khi cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc. * Từ ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đến ngày Nhà giáo Việt Nam Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp), lấy tên là FISE (Fédération Internationale Syndicale de Lenseignant - Liên đoàn quốc tế các công đoàn giáo dục). Năm 1949, tại hội nghị Vacsava (thủ đô Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với FISE để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh, đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Ngày 22/7/1951, công đoàn giáo dục Việt Nam được thành lập. Sau một thời gian ngắn, năm 1953, công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp làm thành viên của FISE và được mời dự hội nghị của FISE ở Vienne (thủ đô Áo). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn. Từ 26 đến 30/8/1957, hội nghị FISE đã diễn ra tại thủ đô Vacsava với sự tham dự của 57 nước, trong đó có Việt Nam. Hội nghị đã thông qua bản Hiến chương các nhà giáo và quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là "Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày 20/11/1958, Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Những năm sau đó, ngày này được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Vào dịp kỷ niệm 20/11 hàng năm, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em giáo viên kháng chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà giáo Việt Nam đoàn kết nhất trí xây dựng nền giáo dục theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của các nhà giáo Việt Nam. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20/11 làm ngày "Nhà giáo Việt Nam". Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 20/11, trước sự quan tâm của toàn xã hội, niềm vui, hạnh phúc lại trào dâng, rạng ngời trên mỗi gương mặt thầy cô - điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của các thầy cô đối với sự nghiệp giáo dục.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét