Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017
Home »
» Đồng Chí Tạ Uyên Danh Nhân Văn Hóa Portal
Đồng Chí Tạ Uyên Danh Nhân Văn Hóa Portal
21:43
No comments
https://www.youtube.com/watch?v=0UvWdeQ4x_M
Đồng chí Tạ Uyên (1898 - 1940)
Đồng chí Tạ Uyên (tức Châu Xương), sinh ngày mồng 5 tháng 8 năm 1989, tại làng Côi Trì, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đồng chí là con cụ Tạ Hoạt và cụ Lê Thị Huynh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tương đối khá, đồng chí được đi học và đỗ khóa sinh năm 18 tuổi. Để khỏi bị bọn chức dịch trong làng áp bức, khinh bỉ, gia đình đã "chạy" cho đồng chí cái "chân phó lý". Nhưng, chức phó lý cũng chỉ là tay sai cho bọn chánh tổng, lý trưởng..., vẫn bị chèn ép và ít khi được ra khỏi lũy tre xanh nơi thôn xóm. Chán ghét cái phận lúc nào cũng phải cúi đầu, khoanh tay, ra thưa, vào bẩm bọn quan trên và bọn đàn anh trong làng, trong tổng, đồng chí đã bỏ chức phó lý, đi học đạc điền. Cuối khóa, trúng tuyển, đồng chí được cấp bằng thư ký đạc điền. Với chức trách này, đồng chí có điều kiện đi đây, đi đó để xem xét, đo đạc ruộng đất, làm công việc địa bạ trong toàn huyện...
Năm 1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội được thành lập và phát triển mạnh mẽ trong cả nước. Kỳ bộ Bắc Kỳ đã cử cán bộ về gây cơ sở ở Ninh Bình. Cuối mùa thu năm 1927, tại Quỳnh Lưu (Nho Quan) tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên đã ra đời. Từ khởi điểm cách mạng Quỳnh Lưu, tổ chức cách mạng này tiếp tục phát triển sang Yên Mô, Gia Viễn, Gia Khánh. Hồi ấy, có mấy anh em thanh niên yêu nước của Ninh Bình học tại Nam Định đã được giác ngộ và kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Do quen biết từ trước, thấy đồng chí Tạ Uyên có tâm hồn yêu nước, tính tình phóng khoáng, khảng khái, yêu quý tự do, các đồng chí đã giới thiệu đồng chí Tạ Uyên với tổ chức. Được hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối cách mạng của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, như con chim đang muốn xổ lồng, tung bay trong bầu trời cao rộng, đồng chí vô cùng sung sướng, gia nhập tổ chức cách mạng này. Được ánh sáng cách mạng soi đường, sẵn bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ, đồng chí say mê hoạt động, không nề hà mọi nguy hiểm gian nan, ngày đêm đi tuyên truyền, giác ngộ những anh em có lòng yêu nước và đưa họ vào tổ chức. Tháng 10 năm 1927, chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội Yên Mô đã ra đời tại làng Côi Trì (nay thuộc xã Yên Mỹ), đồng chí Tạ Uyên được cử làm bí thư. Tuy hoạt động phải hết sức bí mật, nhưng chức "thư ký đạc điền" đã giúp đồng chí có điều kiện thuận lợi đi lại nhiều nơi trong huyện, trong tỉnh để vận động cách mạng. Theo chủ trương của chi bộ, đồng chí đã chon Bích Động (nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Gia Khánh. Trước kia, xã Ninh Hải thuộc địa phận tổng Lận Khê, huyện Yên Mô) làm một trong những địa điểm in truyền đơn của Đảng. Bích Động là một nơi kín đáo, hẻo lánh, nui đá trùng điệp, đường đi lại khó khăn, nếu bị lộ, có nhiều đường thoát. Nhân dân Đam Khê Trong (gần Bích Động) giàu lòng yêu nước, hết sức giữ gìn, che chở, bảo vệ cán bộ cách mạng. Từ "xưởng in" Bích Động và các nơi khác, truyền đơn, thơ ca cách mạng đã xuất hiện nhiều lần như: cây đa đầu làng Mai Thôn, Chợ Ghềnh, ngã ba đường đi Thanh Hóa - Nho Quan - Ninh Bình (Yên Bình), Quảng Từ, Quảng Phúc, Nộn Khê (Yên Từ), Cầu Hội, Cổ Lâm (Yên Thái), Núi Bảng, Chợ Mo, Cầu Bút (Yên Mạc), chợ Kênh, chùa Hang (Yên Thành)... Hoạt động ở đâu, đồng chí Tạ Uyên cũng khơi sâu trong lòng người nỗi khổ cực của người dân mất nước, khêu gợi lòng yêu nước và kêu gọi quần chúng đoàn kết đấu tranh bằng những vần thơ:
"... Tình dân khốn khổ trăm bề,
Thân giun, phận dê, dám hề thở than!
Dân nghèo, chẳng kẻ hỏi han
Dân cùng, chẳng kẻ tính bàn làm sao!
Nỗi niềm tưởng đến mà đau!..."
Qua thơ ca, đồng chí kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh, bền chí tin tưởng ở thắng lợi:
"... Dây thân ái buộc tình đoàn thể,
Bền lá gan lấp bể vá trời".
Hay:
"... Gan cho vững, dạ cho bền,
Góp người, góp của thì nên đó mà.
Nên chăng cũng bởi tạ ta,
Gan vàng, dạ sắt đúc ra chữ đồng."
Những vần thơ nói trên đã tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước cho dân. Đến nay, một số người vẫn còn nhớ những bài thơ đó.
Những hoạt động cách mạng của đồng chí Tạ Uyên trong những năm đầu đã có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cách mạng của nhân dân Yên Mô. Đến nay, hình ảnh và những hoạt động của đồng chí còn in sâu trong tâm trí một số cán bộ và nhân dân Yên Mô.
Năm 1929, phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh. Để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng và chào mừng cách mạng thắng Mười Nga, Đảng bộ tỉnh quyết định mở đợt tuyên truyền mạnh mẽ: cắm cờ Búa Liềm trên núi Thúy, rải truyền đơn, dán áp phích ở thị xã Ninh Bình, ở các thị trấn và nhiều nơi khác trong tỉnh. Sau đợt này, bọn địch điên cuồng, lùng sục, bắt bớ ở nhiều nơi. Một số cơ sở bị lộ, một số đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắt. Sau nhiều lần rình mò, theo dõi, ngày 19 tháng 11 năm 1929, địch đã bắt đồng chí Tạ Uyên đang trên đường đi công tác rồi đưa về nhà lao Ninh Bình. Bắt được đồng chí, địch lại kéo về làng Côi Trì, đe dọa, khám xét nhiều nhà rồi chặt tre, cướp gỗ, phá nhà, cướp của, bắt bố và ba em đồng chí. Dù bị giam giữ trong nhà lao, để động viên gia đình giữ vững tinh thần, đồng chí đã tìm cách gửi thư cho cha: "... Thân con vì non sông mà báo oản trả thù, dù có đắng cay chìm nổi thế nào, con cũng sẵn sàng chịu đựng, xin cha cứ an lòng". Đồng chí cũng bí mật gửi thư cho cơ sở: "... Phong trào đang sôi nổi lắm. Cách mạng nhất định thắng lợi. Xin ông hãy bỏ lòng nhát sợ mà cần hy sinh tranh đấu, đừng thấy chúng tôi bị bắt mà chán nản. Ông hãy hết lòng làm việc và giữ thật kín công việc...". Trong nhà lao Ninh Bình, địch đánh đập, tra tấn nhưng vẫn không moi thêm được gì về bí mật cách mạng. Nhằm khủng bố những người cộng sản và phong trào quần chúng, ngày 24 tháng 1 năm 1930, địch mở phiên tòa xử "vụ án cộng sản đầu tiên" ở Ninh Bình, trong đó có đồng chí Tạ Uyên. Trước tòa án, những người cộng sản hiên ngang bất khuất vạch tội ác kẻ thù và kêu gọi quần chúng đấu tranh. Hoảng sợ trước khí tiết cách mạng của những người cộng sản, địch đã vội vàng kết án các đồng chí. Đồng chí Tạ Uyên bị 15 năm tù khổ sai, đầy đi biệt xứ. Tháng 6 năm 1930, địch đưa đồng chí Tạ Uyên cùng một số đồng chí khác đầy đi Côn Đảo. Một đồng chí cùng ở tù với đồng chí Tạ Uyên kể lại:
"... - Ra Côn Đảo, tôi được biết anh Uyên. Lúc đầu, anh Uyên, tôi và mấy anh em khác bị giam ở "banh2". Anh Uyên đã cắn ngón tay lấy máu viết lên tường hầm giam bốn chữ "Thủy chung như nhất". Sau một thời gian ở tù cấm cố, chúng tôi ra lao động khổ sai. Biết lao động khổ sai thì cực lắm nhưng chúng tôi được ra ngoài, được thở hít không khí ngoài trời, ngay việc vệ sinh cũng sướng. Thích nhất là chúng tôi được gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau. Nhưng anh Uyên và chúng tôi phải xa nhau. Tôi đi làm ở sở ống, anh Uyên đi làm ở sở củi hay còn gọi là sở chuồng bò. Lao động ở sở củi vất vả vô cùng. Hằng ngày, người tù phải đi chăn bò, đốn củi, đốt than mang về. Số củi, số than phải đúng như nó qui định; thiếu, nó đánh dữ lắm. Đàn bò hàng chục con, ăn rất tản mạn trong rừng, chiều tối về thiếu một con, nó đánh người tù có khi chết ngay tại chỗ, sống thì nó phạt hầm tối hoặc hầm xay lúa..."
Phải lao động khổ sai cực nhọc vô cùng, nhưng đồng chí Tạ Uyên vẫn một lòng tin tưởng và mong ngày bắt được liên lạc với Đảng. Đồng chí rất thương anh em tù, thường lấy lá rừng làm thuốc cứu chữa cho những người bị ốm đau, thương tật (khi lao động khổ sai, người tù bị gãy chân, gãy tay, vỡ đầu... do địch đánh đập hoặc bi ngã thường xảy ra luôn). Do gần gũi, yêu thương anh em tù nên đồng chí Tạ Uyên ngày càng rộng rãi. Khi bắt được liên lạc với Đảng, đồng chí vô cùng phấn khởi. Do hoạt động tích cực và gần gũi anh em, ại có năng lực chỉ đạo, có tín nhiêm nên đồng chí được cử vào ban chi ủy và là một trong những người lãnh đạo "Hội cứu tế nhà tù". Được giao nhiệm vụ, đồng chí lo lắng sao cho khỏi phụ lòng tin của Đảng, của quần chúng. Cùng với tổ chức, đồng chí đã góp ý bàn bạc cách củng cố tổ chức Đảng, cách đấu tranh trong nhà tù, chăm sóc anh em bị ốm đau, bị đánh đập, cách bảo vệ các đồng chí lãnh đạo... Đồng chí đã tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản cho anh em, kể cả những người tù ở tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, cơ sở Đảng có ở hầu hết các khám, các sở của nhà tù. Hoạt động của Đảng ngày càng chặt chẽ, thống nhất, các cuộc đấu tranh trong tù càng mạnh mẽ, đời sống của người tù dần dần được cải thiện hơn. Việc học tập chính trị, văn hóa được đẩy mạnh và có nề nếp. Là một trong những người rất ham học nên trong những năm ở tù (1930-1934), đồng chí đã được trang bị nhiều về lý luận cách mạng vô sản, về đường lối cách mạng của Đảng ta, được rèn luyện nhiều về phẩm chất đạo đức, ý chí gang thép của người chiến sĩ cộng sản.
Năm 1935, đáp úng yêu cầu cung cấp cán bộ cho cách mạng trong nước, Đảo ủy tổ chức những cuộc vượt biển. Vượt biển lần này có các đồng chí: Tống Văn Trân, Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Công Phụ, Tạ Uyên và một số anh em tù thường. Trong hồi ký của mình, một đồng chí cùng vượt biển lần này, đã ghi lại:
..."Vào một đêm trăng sáng cuối xuân, chín anh em chúng tôi được lệnh ra khơi. Chưa bao giờ chúng tôi suy nghĩ, xúc động nhiều như giờ phút này. Chúng tôi về sẽ thoát khỏi cái địa ngục trần gian Côn đảo này, nhưng còn bao anh em, đồng chí ở lại, tiếp tục chịu cuộc sống đọa đầy, tàn ác của bọn chúa đảo. Rồi đến ngày thắng lợi, ai mất, ai còn, nhiều anh em không cầm được nước mắt. Nhưng trước yêu cầu của Đảng, trước đòi hỏi của nhân dân, chúng tôi nén thương đau, lau nước mắt mà tạm biệt anh em đồng chí. Trời vừa tối, trăng đã lên, thuyền chúng tôi xuất phát. Buồm được kéo lên, gió Tây Bắc thổi vào buồm phần phật, thuyền chạy băng băng trên mặt biển. Chín anh em chúng tôi cứ dán mắt về Côn đảo. Thuyền cứ chạy, vầng trăng cứ ngả vè Tây, đám Côn đảo đã đen thầm cứ thấp dần xuống... Thuyền cách Côn đảo đã khá xa. Bấy giờ, chúng tôi bàn nhau nấu cơm an, lương khô phải để dành phòng khi có chuyện bất trắc. Cơm xong, lại có nước ngọt uống. Chúng tôi ngồi nói chuyện hoàn toàn tự do, sướng lắm. Chúng tôi cười to, nói lớn cho bõ những ngày nhịn nói, nhịn cười ở Côn đảo. Gió Tây bắc vẫn thổi mạnh, thuyền vẫn băng băng lướt sóng. Chúng tôi thay nhau kẻ thức, người ngủ. Chiều hôm ấy, bỗng trời đổi gió. Thấy thuyền quay, chúng tôi lo quá! Anh cầm lái vội kêu lên như reo"
- Không có lo chi cả! Gió Đông Nam rồi! Hay lắm! Dân đi biển gọi gió này là gió "chướng".
Nói rồi, anh buộn lại buồm. Anh là một tù thường, được giác ngộ, tên Sáu Lẻ, người Hà Tiên, quen nghề đi biển, anh em gọi đùa là "Tổng trưởng hải quân". Nhờ tay lái của Sáu Lẻ mà chúng tôi về được đất liền! Anh em đều mệt ngoài vì say sóng. Chúng tôi nấu cháo, người mệt nhiều thì ăn cháo, người còn khỏe hơn thì ăn lương khô, lúc đầu anh em cứ nhường nhau mãi. Ăn cơm, ăn cháo rồi, chúng tôi lại thay phiên nhau ngủ. Tảng sáng hôm ấy, Sáu Lẻ gọi giật:
- Đến rồi, anh em hà!
Chúng tôi dụi mắt, không tin. Sáu lẻ quả quyết:
- Thiệt! Nhứt định đây rồi!
Quả nhiên, từ xa có nhiều thuyền của đồng bào đánh cá. Chúng tôi reo lên:
- Trông thấy dân rồi! Về với dân rồi!
Xúc động vô cùng, nhiều người ứa nước mắt. Chột dạ, chúng tôi bảo nhau giữ bí mật. Là những người con đầu tiên vượt được biển, về đất liền, chúng tôi không thể bộc lộ hết được những vui mừng, xúc động của mình. Trước khi thuyền vào bờ, anh em vứt hết xuống biển những gì là dấu tích của người tù Côn đảo. Thuyền vào bờ. Để giữ bí mật, chúng tôi nói với đồng bào là, chúng tôi là người Hà Tiên, rồi phân tán theo sự phân công từ trước...".
Nhận sự phân công của Đảng, đồng chí Tạ Uyên về hoạt động ở vùng Hậu Giang. Bắt được liên lạc với Đảng, đồng chí về Bạc Liêu. Anh em, đồng chí, đồng bào Bạc đã đón nhận đồng chí Tạ Uyên với tất cả tình cảm thân thiết như đón người con xa nhà lâu ngày. Do hăng hái hoạt động, có lòng trung thành với Đảng, với dân, lại có vóc người cao, to, đen nên đồng bào, đồng chí đặt tên thân cho đồng chí là "Châu Xương" (Châu Xương giữ ngựa xích thố cho Quan Vân Trường trong truyện Tam Quốc). Từ đó, Châu Xương gắn bó thân thiết với đồng chí, đồng bào Miền Nam. Về sống và hoạt động trong sự yêu thương trìu mến của đồng chí, đồng bào Bạc Liêu, đồng chí Tạ Uyên vô cùng sung sướng, tin tưởng. Đồng chí đã đi tuyên truyền gây cở sở ở nhiều tỉnh miền Hậu Giang. Biết nghề thuốc, quen nghề làm ruộng, ở đâu, đồng chí cũng giúp đỡ bà con cày cấy, làm thuốc, chữa bệnh và giác ngộ cho đồng bào, nên được nhân dân tin yêu, mến phục. Vốn có tác phong sâu sát nên dù đến nông thôn nay thành thị, đồng chs cũng nắm chắc tình hình, mau chóng gây được cơ sở. Khi hoạt động ở thị xã Cần Thơ, đông chí đã làm "cu li" cho một hãng buôn rượu để che mắt địch và có điều kiện đi lại nhiều nơi. Lúc hoạt động ở thị xã Vĩnh Long, đồng chí đã tuyên truyền gây cơ sở trong công nhân nhà máy cưa, nhà máy đèn... và giác ngộ cho cả tầng lớp thợ thủ công: thợ bạc, thợ mộc, thợ máy khâu, thợ cắt tóc... Đến nay, nhân dân còn nhớ những câu thơ vận động công nhân do đồng chí truyền bá:
"... Vì đâu kiệt tủy tan xương,
Tiền lương không đủ ngày thường tiêu pha?
Lấy gì báo đáp mẹ cha?
Lấy gì nuôi vợ cùng là đàn con?
Phải chi vô lý lỡ làng,
Què tay, gãy cẳng, thân tàn tật thân!..."
Hay:
"... Đứng lên đoàn kết đấu tranh.
Kéo cờ cộng sản, xây thành tự do..."
Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, phong trào cách mạng đã lên mạnh ở nhiều tỉnh miền Nam. Để thống nhất chỉ đạo, Xứ ủy quyết định thành lập Liên tỉnh ủy Hậu Giang (gồm các tỉnh Cà Mâu, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc). Đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Cùng với các đồng chí khác, đồng chí Tạ Uyên đã góp sức đẩy phong trào miền Hậu Giang phát triển mạnh hơn trước. Lo sợ trước sự lớn mạnh cảu phong trào cách mạng, ngày đêm địch theo dòi, lùng sục bắt bớ. Một số cơ sở bị lộ, một số cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước bị bắt, trong đó có nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy, Liên tỉnh ủy. Đồng chí Tạ Uyên cũng bị địch theo dõi, vây ráp nhiều lần. Nhưng do có nhiều kinh nghiệm hoạt động bí mật, có ý thức cảnh giác cao, nhất là được quần chúng hết lòng che chở, bảo vệ nên hoạt động của đồng chí ở Nam kỳ trong những năm 1935-1940 không hề bị gián đoạn. Thấy rõ vai trò quan trọng của cán bộ lãnh đạo đại phương nên hoạt động ở nơi nào, đồng chí cũng mở những lớp huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí còn dịch cuốn "Du kích chiến tranh" làm tài liệu học tập. Những anh em được đồng chí góp phần đào tạo, bồi dưỡng, phần lớn đều trở thành những người hết lòng trung thành với Đảng, với dân; có đồng chí đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; có đồng chí hiện nay đang giữ những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng. Trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với mọi nhiệm vụ, có năng lực tổ chức và chỉ đạo, được đảng viên và quấn chúng tín nhiệm, đồng chí Tạ Uyên đã được tham gia Ban chấp hành Xứ ủy và đến năm 1940, được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.
Năm 1939-1940, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và diễn ra ngày càng gay gắt. Nước Pháp bị Đức đánh thua nhiều trận, thuộc địa Đông Dương bị Nhật đe dọa. Để cứu nguy cho "nước mẹ" và giữ thuộc địa Đông Dương, thực dân Pháp đã bắt hàng chục vạn binh lính người Việt đi làm bia đỡ đạn. Xứ ủy Nam kỳ chủ trương đẩy thật mạnh công tác binh vận. Đồng chí Tạ Uyên được phân công phụ trách công tác này. Say sưa với nhiệm vụ, ngày đêm đồng chí lăn lôn trong phong trào binh vận, tuyên truyền, gây cơ sở, làm thơ ca, để giáo dục ý thức dân tộc và khích lệ tinh thần phản chiến trong anh em binh lính người Việt. Đồng chí đã gợi lên nỗi khổ nhục của đời lính thuộc địa đánh thuê, vạch rõ âm mưu sâu độc của kẻ thù, kêu gọi họ dùng súng giặc giết giặc, trở về với chính nghĩa, với nhân dân. Công tác binh vận đã có ảnh hưởng sâu rộng và trở thành phong trào quần chúng. Tinh thần phản chiến của binh lính người Việt lên cao. Ở Chợ Lớn, 3000 lính đã biểu tình chống đi mặt trận biên giới Lào - Thái Lan. Tại Sài Gòn, 2000 lính Việt bị tập trung đưa đi mặt trận đã đấu tranh với chỉ huy; lính Tây đến đàn áp, cuộc xô xát đã xảy ra. Trên đường Vĩnh Long đi Mỹ Tho, Mỹ Tho đi Sài Gòn, từng đoang xe cam-nhông bịt kín, từ trong cam-nhông vang lên khẩu hiệu: "Phản đối chiến tranh!" "Phản đối đi trận!", "Tự do dân chủ!"... Truyền đơn cách mạng được rải liên tục ở nhiều nơi. Trong phong trào sôi nổi, rầm rộ ấy, nhiều anh em binh lính đã giác ngộ; có người sau này đã trở thành đảng viên cộng sản.
Phong trào cách mạng trong quần chúng lên cao, càng thúc đẩy phong trào binh vận tiến bộ mạnh mẽ và ngược lại, cùng với phong trào binh vận, phong trào quần chúng càng lên cao. Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức giữa ban ngày, có đông đảo nhân dân tham gia. Các đồng chí Xứ ủy về từng cơ sở để vận động cách mạng.
Một đồng chí hoạt động cùng thời gian với đồng chí Tạ Uyên đã ghi lại trong hồi ký của mình:
"... Ngày ấy, cấp trên về lãnh đạo chúng tôi tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Trung Hòa, tại một cánh đồng lác tốt vượt đầu người, nước xâm xấp chân. Đúng ngày giờ đã hẹn, nhân dân lũ lượt kéo đến chỗ mít tinh. Bà con các ấp Càng Long, Trung Điền, Trung Ngãi, Trung Hòa, Mỹ Cẩm, Phú Tiên, An Dương... kéo đến rất đông. Khi đồng chí Châu Xương nói chuyện, tất cả im lặng lắng nghe. Đồng chí nói tình hình thế giới, tình hình trong nước, chủ trương của Đảng Cộng Sản Đông Dương, chủ trương của Xứ ủy... Nghe Châu Xương nói, có lúc chúng tôi sầu tủi muốn sa nước mắt, có lúc căm giận sục sôi, có lúc vui mừng hớn hở, vỗ tay hồi lâu. Rồi cuộc mít tinh giải tán, bà con lại ra về theo sự hướng dẫn của cán bộ và cứ xì xào bàn tán không dứt những lời nói của Châu Xương...".
Tháng 7 năm 1940, Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam kỳ được tổ chức tại xã Long Hưng (Mỹ Tho) để thông qua "Đề cương chuận bị khởi nghĩa" của Thường vụ xứ ủy. Sau đó, cán bộ Xứ ủy về các tỉnh chỉ đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng chí Tạ Uyên được phân công phụ trách công tác binh vận toàn Xứ và trực tiếp chỉ đạo các tỉnh miền Hậu Giang. Phấn khởi trước tình hình phát triển của phong trào, cũng như các đồng chí Xứ ủy, đồng chí Tạ Uyên về từng cơ sở, xuống từng chi bộ nắm tình hình và chỉ đạo trực tiếp. Một đồng chí chi ủy viên xã Phong Thới, đã kể:
"... Đồng chí Châu Xương lại về họp với chi bộ chúng tôi. Nghe chúng tôi nói rõ tình hình phong trào xã Phong Thới và huyện Vũng Liêm, đồng chí Châu Xương khen tốt, rồi nói:
- Bây giờ ta phải tiến lên nữa! Các đồng chí chuẩn bị gấp, chờ lệnh cướp chính quyền huyện Vũng Liêm!
Nghe Châu Xương nói cướp chính quyền Vũng Liêm, chúng tôi hơi bàng hoàng nhưng rất mừng. Chúng tôi hỏi:
- Chuẩn bị gì? Bao giờ thì cướp chính quyền? Châu Xương nói:
- Trường đao, đoản đao, giáo mác, gậy gộc, có gì thì chuẩn bị thứ đó. Việc cướp chính quyền thì sắp rồi, các đồng chí chuẩn bị gấp, phải hết sức kín!
Như lửa cháy được đổ thêm dầu, chúng tôi vô cùng vui sướng, chia nhau hối hả chuẩn bị những việc mà đồng chí Châu Xương đã dặn...".
Cũng như ở Phong Thới, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi nổi khẩn trương ở nhiều tỉnh miền Nam. Những ấp cơ sở cách mạng đều có lò rèn, ngày đêm rèn giáo, mác, kiếm, mũi lao, dao găm, làm tạc đạn. Đến tháng 11 năm 1940, không khí khởi nghĩa như lò than rừng rực, chỉ chờ ngày cháy bùng lên.
Ngày 22 tháng 11 năm 1940, chỉ trước cuộc khởi nghĩa một hôm, đồng chí Tạ Uyên - Bí thư Xứ ủy - bị bắt tại Sài gòn. Bị địch đánh đập cực kỳ tàn ác, đồng chí vẫn trơ như đá, vững như đồng. Kiệt sức vì đòn thù, đồng chí đã hy sinh anh dũng tại khám lớn Sài Gòn ngày 10 tháng 12 năm 1940. Nhưng, theo đúng kế hoạch của Xứ ủy, đêm 22 rạng ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã bùng nổ.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, một trang sử oanh liệt của Đảng, của dân tộc ta, đã được viết lên bằng máu của biết bao đồng chí, đồng bào miền Nam anh hùng, trong đó có đồng chí Tạ Uyên. Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ, Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu cũng như Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình mãi mãi ghi nhớ những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tạ Uyên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét